Pages

Subscribe:

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Dạy con nên người – Phép tắc người con



Dạy con nên người – Phép tắc người con là cuốn sách hay, mang đến những đạo lý để giúp chúng ta dạy bảo, rèn luyện cho con cái. Để con phát triển mạnh khỏe, vững vàng trước sóng gió cuộc đời, chúng ta cần rèn luyện cho con có gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực.


1. Phép người con. Thánh nhân dạy. 
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín. 
Yêu rộng khắp, gần người thân. 
Có dư sức, thì học văn.

Chương 1. Ở nhà phải hiếu

2. Cha mẹ gọi, trả lời ngay.
 Cha mẹ bảo, làm lập tức
Cha mẹ dạy, phải kính nghe
Cha mẹ trách, phải tiếp nhận

3.  Đông phải ấm, hạ phải mát
Sáng phải thăm, tối phải viếng
Đi phải thưa, về phải trình
Sống quy củ, không thay đổi.

4. Việc tuy nhỏ, chớ tự làm
Nếu tự làm, thiếu đạo con
Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng
Nếu cất riêng, cha mẹ buồn

5.  Cha mẹ thích, dốc lòng làm
Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ
Thân tổn thương, cha mẹ lo
Đức tổn thương, cha mẹ tủi
Cha mẹ thương, hiếu đâu khó
Cha mẹ ghét, hiểu mới hay. 

6. Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi
Mặt ta vui, lời ta dịu
Khuyên không nghe, vui can tiếp
Dùng khóc khuyên, đánh không giận

7. Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước
Ngày đêm hầu, không rời giường
Tang ba năm, thường thương nhớ
Cư xử đổi, không rượu thịt
Tang đủ lễ, cúng hết lòng
Thờ người chết, như còn sống
Chương 2. Kính trọng mọi người

 8. Anh thương em, em kính anh
Anh em thuận, hiếu trong đó
Nhẹ tiền bạc, oán nào sinh
Lời nhường nhịn, giận tự hết

9. Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng
Người lớn trước, người nhỏ sau
Lớn gọi người, liền gọi thay
Người không có, mình làm thay
Gọi người lớn, chớ gọi tên
Với người lớn, chớ khoe tài

10. Gặp trên đường, nhanh đến chào
Người không nói, lùi cung kính
Phải xuống ngựa, phải xuống xe
Đợi người đi, hơn trăm bước
Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi
Người lớn ngồi, cho phép ngồi

11. Trước người lớn, phải nói nhỏ
Nhỏ khó nghe, không đúng phép
Đến phải nhanh, lui phải chậm
Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng

12. Kính chú bác, như kính cha
Kính đàn anh, như anh ruột
Chương 3. Cẩn

13. Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ
Lúc chưa già, quý thời gian
Sáng rửa mặt, và đánh răng
Tiểu tiện xong, rửa tay sạch

14.  Mũ phải ngay, nút phải gài
Tất và giày, mang chỉnh tề
Mũ quần áo, để cố định
Chớ để bừa, tránh dơ bẩn

15. Áo quý sạch, không quý đắt.
Hợp thân phận, hợp gia đình.
Với ăn uống, chớ kén chọn.
Ăn vừa đủ, chớ quá no.
Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu.
Uống say rồi, rất là xấu.

16.  Đi thong thả, đứng ngay thẳng.
Chào cúi sâu, lạy cung kính.
Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng.
Chớ ngồi dang, không rung đùi.

17.  Vén rèm cửa, chớ ra tiếng.
Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc.
Cầm vật rỗng, như vật đầy.
Vào phòng trống, như có người.
Chớ làm vội, vội sai nhiều.
Không sợ khó, chớ qua loa.
Nơi ồn náo, không đến gần.
Việc không đáng, quyết chớ hỏi.

18.  Sắp vào cửa, hỏi có ai.
Sắp vào nhà, cất tiếng lớn.
Người hỏi ai, nên nói tên.
Nói ta – tôi, không rõ ràng.
Dùng đồ người, cần mượn rõ.
Nếu không hỏi, tức là trộm.
Mượn đồ người, trả đúng hẹn.
Sau có cần, mượn không khó.


Chương 4. TÍN

19. Phàm nói ra, tín trước tiên.
Lời dối trá, sao nói được.
Nói nhiều lời, không bằng ít.
Phải nói thật, chớ xảo nịnh.
Lời gian xảo, từ bẩn thỉu.
Thói tầm thường, phải trừ bỏ.

20. Thấy chưa thật, chớ nói bừa.
Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền.
Việc không tốt, chớ dễ nhận.
Nếu dễ nhận, tiến lui sai.
Phàm nói chuyện, nói trọng điểm.
Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ.
Kia nói phải, đây nói quấy.
Không liên quan, chớ để ý.


21. Thấy người tốt, nên sửa mình.
Dù còn xa, cũng dần kịp.
Thấy người xấu, tự kiểm điểm.
Có thì sửa, không cảnh giác.

22. Chỉ đức học, chỉ tài nghệ.
Không bằng người, phải tự gắng.
Nếu quần áo, hoặc ăn uống,
Không bằng người, không nên buồn.

23. Nghe lỗi giận, nghe khen vui.
Bạn xấu đến, bạn hiền đi.
Nghe khen sợ, nghe lỗi vui.
Người hiền lương, dần gần gũi.

24. Lỗi vô ý, gọi là sai.
Lỗi cố ý, gọi là tội.
Biết sửa lỗi, không còn lỗi.
Nếu che giấu, lỗi chồng thêm.

Chương 5. Yêu bình đẳng

25. Phàm là người, đều yêu thương.
Che cùng trời, ở cùng đất.
 
26. Người hạnh cao, danh tự cao.
Mọi người trọng, không bề ngoài.
Người tài năng, tiếng tự cao.
Được người phục, chẳng do khoe.

27. Mình có tài, chớ dùng riêng.
Người có tài, không chỉ trích.
Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo.
Chớ ghét cũ, không thích mới.
Người không rảnh, chớ não phiền.
Người bất an, không quấy nhiễu.

28. Người có lỗi, chớ vạch trần.
Việc riêng người, chớ nói truyền.
Khen người thiện, tức là tốt.
Người biết được, càng tốt hơn.
Khen người ác, chính là ác.
Ác cùng cực, tai họa đến.
Cùng khuyên thiện, cùng lập đức.
Lỗi không ngăn, đôi bên sai.


29. Hễ nhận cho, phân biệt rõ.
Cho nên nhiều, nhận nên ít.
Sắp cho người, trước hỏi mình.
Mình không thích, phải mau ngưng.
Ân phải báo, oán phải quên.
Báo oán ngắn, báo ân dài.

30. Đối người ở, thân đoan chánh.
Tuy đoan chánh, lòng độ lượng.
Thế phục người, người không phục.
Lý phục người, tâm mới phục.

Chương 6. Gần người hiền (Thân nhân)

31. Cùng là người, khác tộc loại.
Thô tục nhiều, nhân từ ít.
Đúng người nhân, người kính sợ.
Nói thẳng lời, không dẻ nịnh.
Gần người hiền, tốt vô hạn.
Đức tiến dần, lỗi ngày giảm.
Không gần hiền, hại vô cùng.
Tiểu nhân đến, trăm việc hư.

Chương 7. Có thừa sức, thì học văn

32. Không gắng làm, chỉ học văn.
Chỉ bề ngoài, thành người nào.
Nếu gắng làm, không học văn.
Theo ý mình, mù lẽ phải.

33. Cách đọc sách, có ba điểm.
Tâm mắt miệng, tin đều trọng.
Mới đọc đây, chớ thích kia.
Đây chưa xong, kia chớ đọc.
Thời gian ít, cần chăm chỉ.
Công phu đủ, đọc liền thông.
Tâm có nghi, thì chép lại.
Học hỏi người, mong chính xác.
34. Gian phòng sạch, vách tường sạch.
Bàn học sạch, bút nghiên ngay.
Mực mài nghiêng, tâm bất chánh.
Chữ viết ẩu, tâm không ngay.
Xếp sách vở, chỗ cố định.
Đọc xem xong, trả chỗ cũ.
Tuy có gấp, xếp ngay ngắn.
Có sai hư, liền tu bổ.
Không sách Thánh, bỏ không xem.
Che thông minh, hư tâm trí.
Chớ tự chê, đừng tự bỏ.
Thánh và Hiền, dần làm được.
 Tại sao con trẻ lại lười biếng?
Tại sao con trẻ lại lười biếng, căn nguyên ở đâu? Các vị bằng hữu, tôi thấy các vị bây giờ cũng rất giỏi phân tích. Trẻ em lười biếng không thể nào do lớn lên rồi mới hình thành thói quen lười biếng, mà gọi là “thói quen hình thành từ bé, quen rồi thành tự nhiên”. Tại sao cần phải dạy con càng sớm càng tốt? Là vì một khi thói quen đã được hình thành rồi thì rất khó mà sửa được.
Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ, đứa cháu trai của tôi nhìn thấy mẹ của mình đang lau bàn được một nửa thì có việc khác phải làm trước, nó liền chạy đến cầm khăn lên bắt chước lau theo. Một lúc sau thì chị tôi quay trở lại.
Các vị bằng hữu, nếu là các vị thì sẽ xử lý thế nào? Chị của tôi liền nói với con của mình rằng: “Vỹ Vỹ à! Con còn rất nhỏ mà đã biết hiếu thảo với cha mẹ rồi, còn biết giúp đỡ mẹ lau bàn. Con ngoan quá!”. Cháu vốn chỉ lau qua như vậy, nhưng sau đó càng lau càng hăng say. Vì vậy, trẻ em rất cần sự khích lệ của chúng ta. Có được sự công nhận và cổ vũ thì sẽ kích thích tiềm năng của chúng phát triển. Sau khi cháu lau xong, mẹ của cháu lại nói: “Tiểu Vỹ à, nếu như bốn cái cạnh và góc bàn cũng được lau sạch một cách tỉ mỉ, thì cái bàn này con đã lau sạch hoàn hảo rồi”. Một là khẳng định tâm hiếu của cháu, hai là dạy cháu phương pháp làm việc. Vì thế mà đứa cháu này của tôi rất thích sạch sẽ, mới ba, bốn tuổi đã tự mình xếp chăn mền. Xem ra thì cũng sạch sẽ, gọn gàng lắm! Cho nên, dạy cho chúng thái độ đúng đắn ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

Lúc đó, giả sử người mẹ này chạy đến rồi nổi giận đùng đùng: “Trời ơi! Con làm gì vậy? Tránh ra mau! Đừng có phá phách như vậy nữa!”. Tay của các vị đẩy chúng ra hai, ba lần như vậy, sau này chúng còn làm nữa hay không vậy? Sẽ không làm nữa. Vì vậy, cha mẹ phải nắm bắt lấy thời cơ để dạy dỗ chúng, nếu không thì sẽ lỡ mất rất nhiều cơ hội tốt. Đến khi chúng không biết giúp đỡ việc nhà, các vị nổi giận thì cũng không ích gì.
Rất nhiều phụ huynh đã nói: “Con chỉ cần học hành cho tốt là được rồi, những việc khác đều không cần phải làm”, như vậy có được hay không? Các vị xem, chúng chỉ biết học hành, những việc khác đều không làm, như vậy chúng có tin tưởng vào khả năng làm việc của mình hay không? Không tin tưởng. Chúng càng không tin tưởng thì chúng sẽ càng không dám gánh vác công việc. Càng không gánh vác thì có tinh thần trách nhiệm hay không? Sẽ không có. Đây đều có mối quan hệ chặt chẽ. Chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo. 
Con trẻ lao động nhiều thì sẽ rất có ích đối với gân cốt của chúng. Trong những lúc lao động, trẻ con cũng sẽ cảm nhận được: “Thì ra mẹ chăm lo cho gia đình thật không dễ dàng”; “Mình mới lau cái phòng khách thì đã mệt rồi, mẹ vừa phải đi làm, trở về lại nấu cơm và làm bao nhiêu là việc”. Trẻ vừa lau, vừa cảm ân trong lòng. Vì vậy tục ngữ nói: “Tích lao”. Chúng chân thật ra sức, chân thật lao động mới biết cảm ân, mới cảm nhận được sự vất vả. Thế nên không thể để trẻ em không lao động, tuyệt đối không thể để chúng tập thành thói quen lười biếng.


Tại vì sao trẻ em sống không có quy luật?
Chúng ta lại xem quy luật cuộc sống. Tại vì sao trẻ em sống không có quy luật?
Tôi đã từng hỏi học sinh của tôi: “Hôm nay ai đã ăn sáng thì giơ tay?”. Có khoảng gần một nửa số học sinh không ăn sáng. Tôi liền hỏi tiếp: “Vậy mẹ các em không nấu bữa sáng à?”. Chúng nói: “Mẹ của em còn đang nằm ngủ”. Bữa sáng của chúng chính là tiền để sẵn ở trên bàn, trên đó có viết hai chữ: “Bữa sáng”. Phụ huynh cho tiền. Xin hỏi những phụ huynh cho tiền đã từng thật sự đi tìm hiểu chưa? Những đồng tiền đó có chuyển thành bữa sáng không? Không có. Các vị làm sao biết vậy? Tiền đó chuyển thành gì vậy? Chuyển thành đồ chơi điện tử, chuyển thành một số đồ ăn vặt nhiều phẩm màu. Trẻ con nếu như ăn những thứ này liên tục từ nửa năm đến một năm, thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Rất nhiều đứa trẻ lấy tiền ăn sáng để chơi trò chơi điện tử, không ăn gì.
Tại vì sao tôi biết vậy? Bởi vì chúng tôi làm giáo viên nên phải quan tâm bọn trẻ, quan tâm học trò. Tôi phát hiện ra điều này, bởi vì tôi dạy học sinh lớp sáu, ở độ tuổi đang dậy thì nên rất nhanh bị đói, đến khoảng hơn mười giờ thì bụng đã sôi ùng ục rồi. Cho nên, trong hộc bàn của tôi lúc nào cũng có bánh quy. Những người bạn nhỏ này đều rất thích bánh của tôi. Rất nhiều em khoảng hơn chín giờ đến mười giờ, ngồi trong lớp học mà sắc mặt đều xanh xao vì bụng đói rồi. Tìm hiểu thì tôi biết được mấy đồng tiền đó không có mua bữa sáng mà đem xài hết rồi. Vì vậy, những người làm cha mẹ chúng ta phải làm gương cho con cái trong quy tắc đời sống hằng ngày, phải để cho chúng có được ba bữa ăn bình thường. Nên bỏ công sức nhiều một chút, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả một đời con cái chúng ta. Cho dù là vì sức khỏe của chúng hay là để làm gương cho chúng, đối với chúng đều rất quan trọng.
Các vị bằng hữu, những thói quen xấu nói trên tin là chỉ cần sinh một chữ “thiện” thì toàn bộ sẽ được giải quyết. Là chữ “thiện” nào vậy? “Bách thiện hiếu vi tiên”. Câu nói này sẽ theo các vị thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền, sự thể hội của các vị sẽ càng ngày càng sâu.
– Ý nghĩa thứ nhất, hiếu đứng đầu trăm điều thiện.
– Ý nghĩa thứ hai, tâm hiếu khai mở, thì trăm thiện tự nhiên sẽ khai mở.
Chúng ta hãy xem, một người có tâm hiếu thì có tính tự tư không? Không có. Một người có tâm hiếu thì có hay tranh cãi không? “Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Các vị bằng hữu, đừng nên xem thường “Đệ Tử Quy”, “Nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) đã giải quyết hết vấn đề của con cái các vị. Khi chúng biết được: “Thân bị thương, cha mẹ lo”, chúng có còn đảo lộn cuộc sống không? Không. Chúng có sống vô trách nhiệm không? “Đức tổn thương, cha mẹ tủi”. Chúng sẽ rất cần cù, bởi vì “cha mẹ thích, dốc lòng làm”, hi vọng khiến cho cha mẹ vui lòng, khiến cha mẹ an ủi.
Vì thế, tâm hiếu mà mở thì ngoài việc hiếu kính cha mẹ, sẽ hòa ái với anh em. Bởi vì nếu anh em xảy ra xung đột thì ai sẽ buồn nhất? Là cha mẹ. Cho nên, “anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”.
Chúng ta cũng thể hội được, một người thật có lòng hiếu thì đối với cha mẹ của người khác họ cũng sẽ có cái tâm cung kính. Mở rộng ra, họ cũng sẽ hiếu kính đối với tất cả trưởng bối. Vậy họ có thể ức hiếp con cái của người khác không? Không có. Bởi vì họ biết làm cho con cái người khác bị tổn thương thì cha mẹ của họ sẽ rất đau lòng. Tâm thấu hiểu này của họ cứ thế tự nhiên mở rộng, vươn xa hơn. Cho nên, tấm lòng nhân từ của một người bắt nguồn từ điểm này, từ hiếu đạo này, từ “tình cảm cha mẹ với con cái” mở rộng ra. Do vậy, học “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) rất quan trọng.

Tại vì sao phải hiếu?
Dạy con trẻ hiếu, điều đầu tiên cần nói với chúng là tại vì sao phải “hiếu”? “Biết ân mới biết báo ân”. Vì vậy, chúng ta phải chỉ dẫn con cái nhớ nghĩ ân đức của cha mẹ. Khi bắt đầu nói về điều này, chúng tôi thường kể câu chuyện về Phật Đà như sau: Hai – ba nghìn năm trước, có vị Thánh gọi là Phật Đà. Có một hôm, Ngài dẫn theo các học trò của mình ra vùng ngoại thành. Trên đường đi thì nhìn thấy một đống xương khô. Đức Phật đem xương này phân chia thành hai đống. Một đống có màu tương đối trắng, một đống có màu tương đối đen thâm. Học trò cũng rất hiếu học, học trò biết rằng: “Tâm có nghi, thì chép lại. Học hỏi người, mong chính xác”, thế nên hiểu được việc học hỏi là phải biết nêu câu hỏi. Tiếp đến, Đức Phật liền nói với các học trò: “Tại sao hai đống xương khô này, một đống thì màu trắng, một đống thì màu thâm đen?”. Đống xương có màu thâm đen này là xương của người nữ. Xương của người nữ vì sao lại có màu thâm đen hơn? Bởi vì làm mẹ phải mang thai mười tháng. Trong thời gian mười tháng mang thai, tất cả dinh dưỡng của đứa trẻ là từ trong máu huyết của người mẹ chuyển qua cho con. Nếu chất canxi của đứa trẻ không đủ thì phải lấy từ trong xương của người mẹ truyền qua. Vì vậy, mang thai mười tháng rất vất vả.
Chúng tôi đã từng cho bọn trẻ chơi trò chơi, đó là bảo chúng lấy một quả trứng gà mang theo bên mình, gọi là “trò chơi một ngày chăm sóc trứng”. Chúng tôi nói với các em: “Các em hôm nay thử cảm nhận một chút cảm giác giữ gìn một quả trứng, chỉ cần giữ trứng một ngày xem các em có thể chăm giữ được không”. Kết quả bọn trẻ lúc đầu hết sức cẩn thận, sau khoảng một đến hai giờ đồng hồ thì gần như đã quên mất, vì vậy mà nghe thấy rất nhiều tiếng: “Á!”. Đến tiết học cuối cùng ngày hôm đó, số trứng không bị vỡ còn lại rất ít.
Thầy giáo liền dạy cho các em: “Các em xem, các em mới giữ có một ngày mà không được. Nếu như mẹ cũng giống các em, ngày ngày đều chạy nhảy hiếu động như vậy, thì khi sinh các em ra không bầm xanh chỗ này thì cũng bầm tím chỗ kia. Các em xem, mẹ trong mười tháng trời đều phải giữ gìn các em thật cẩn thận. Hơn nữa, thể trọng của các em mỗi ngày một nặng hơn. Trong thời gian mẹ đang mang thai sẽ có phản ứng sinh lý bị buồn nôn, ăn cơm không được, nhưng cũng tự mình gắng gượng, nhất định phải tiếp tục ăn. Này các bạn nhỏ, tại sao mẹ không còn thèm ăn gì nhưng lại phải ăn? Vì mẹ muốn có đủ dinh dưỡng để truyền cho đứa con. Vì vậy, dù cho mẹ rất khó chịu cũng cố gắng ép mình ăn uống cho bằng được. Các em nhỏ, các em có kén ăn được không? Hãy xem, mẹ đã vì các em mà sẵn lòng ăn mọi thứ thức ăn, các em cũng nên học theo mẹ, không nên kén ăn. Đồ nên ăn, đồ dinh dưỡng thì phải ăn để thân thể khỏe mạnh, khiến cho mẹ vui lòng”.  Chúng ta dạy bảo như vậy, con trẻ sẽ hiểu mà cảm động.
Thời gian mười tháng mang thai, cơ thể người mẹ rất nặng nề, đi lại đều không dễ dàng. Chúng tôi cũng đã từng lấy quả bóng cho bọn trẻ bỏ vào trong người, để cho chúng cảm nhận, bởi vì rất nhiều em cần phải cảm nhận mới biết được cảm giác này.
Tiếp đến tôi dạy cho học trò nói: “Thầy đã từng quan sát, hai bên giường sản phụ người ta làm hai cái thanh sắt rất to, nhưng sau một thời gian, chúng cũng bị cong lại. Sức mạnh gì đã khiến thanh sắt ấy bị cong vậy?”. Chúng nói: “Là sức mạnh của sự đau đớn”. Tại vì lúc mẹ sinh rất đau, vì vậy đã nắm lấy cái thanh này. Năm này qua tháng nọ, hai thanh sắt này bị những sức mạnh này làm cong đi. Đau đớn của người mẹ khi chuyển dạ sinh con còn đau hơn cái đau của bệnh ung thư. Rất nhiều người bị bệnh ung thư vì sao lại tự tử? Vì không chịu nổi cái đau. Thế mà người mẹ lại có thể chịu đựng sự đau đớn hơn sự đau đớn của bị ung thư. Khi người mẹ sinh đứa con ra, suy nghĩ đầu tiên là gì? Là con mình có khỏe mạnh hay không? Tình thương của mẹ với các em đã làm cho mẹ có thể hoàn toàn bỏ sang một bên sự đau đớn như vậy. Ân đức này cả một đời này chúng ta phải ghi nhớ trong lòng.
Tiếp đến, nuôi dưỡng dạy dỗ các con lại càng vất vả hơn. Có một cô bạn trẻ nói rằng: “Trước khi chưa sinh em bé thì thường muốn nhanh nhanh sinh nó ra, nhưng sau khi sinh ra cảm thấy rất muốn bỏ nó trở lại vào trong bụng”. Cho nên công lao của dưỡng dục hơn cả sinh ra, bởi vì bao nhiêu là đêm dài đều phải thao thức hao gầy với đứa trẻ. Nếu như buổi tối con không ngủ thì mọi người ở trong nhà phải luân phiên thay nhau như là thi tiếp sức. Tôi cũng từng như vậy. Khi đứa cháu không chịu ngủ, tôi cũng phải chia ca, nhưng mà tôi bế nó chỉ khoảng chừng hai mươi phút thì đã không chịu nổi, tay mỏi đến rụng rời. Tôi bế đứa cháu nhỏ và nói với nó: “Sau này con mà không hiếu thảo với mẹ, thì cậu là người đầu tiên sẽ trách phạt con đấy!”. Bởi vì đã bao nhiêu ngày đêm mẹ phải vất vả để con được ngủ, canh chừng con cả đêm. Bao nhiêu lần con bị bệnh, cho dù là nửa đêm cha mẹ cũng đều đưa con đi bác sĩ khám, bao nhiêu là ngày lo lắng bữa ăn kế tiếp của con mình phải làm sao. Những áp lực cuộc sống này, trọng trách của việc dạy dỗ lúc nào cũng đặt trên vai của cha mẹ. Nên Đức Phật đã nói với các học trò: “Ân đức của cha mẹ, một đời này của chúng ta không thể báo đáp được”. Chúng ta phải tận tâm tận lực để làm một người con có hiếu đạo. Chúng tôi đã nói với bọn trẻ hết những vất vả của cha mẹ trong quá trình giảng giải, có một số em đã cảm động rơi nước mắt.
Chúng tôi tiếp tục nói với các học trò: “Chúng ta cảm động vì sự vất vả của cha mẹ, vậy sau khi rơi nước mắt rồi phải làm sao?”. Các em chân thật cảm nhận được ân đức của cha mẹ, thì phải bắt đầu bằng những hành động hiếu thuận. Khi các em có thể làm được một điều trong quyển “Đệ Tử Quy”, các em đã tận được một phần tâm hiếu. Khi các em làm được tất cả điều trong “Đệ Tử Quy”, thì hiếu các em đã làm được viên mãn. Khi trẻ con khởi lên cái tâm biết ơn, thì chúng ta tiếp theo sẽ dạy chúng phải báo ơn. Nỗ lực thực hiện hiếu đạo từ đâu? Chúng ta cùng xem “Đệ Tử Quy”. Trong đoạn Kinh văn này, chúng ta cùng nhau đọc qua một lần. 

1.1    “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”

Đây là nói thái độ nói chuyện với cha mẹ rất quan trọng. Kỳ thực, đạo đức học vấn của một người nhìn từ chỗ nào vậy? Từ cử chỉ, lời nói của họ. Thái độ của trẻ khi nói chuyện với cha mẹ đều có ảnh hưởng sâu xa đến chúng. Khi chúng đang hình thành tâm hiếu, tâm cung kính, thì cũng đang chuẩn bị rất tốt nền tảng cho học vấn. Khi chúng không có sự hiếu và kính này, chúng sinh khởi là tâm gì? Có thể là tâm ngạo mạn, có thể là tâm không cung kính, như vậy rất có khả năng sẽ hủy hoại đạo nghiệp một đời của chúng.
Một người nếu muốn cống hiến cho đất nước, cho xã hội, trong sách “Đại Học” có câu: “Thời xưa kẻ muốn làm sáng cái đức của mình trong thiên hạ, thì trước hết phải trị được nước của mình; muốn trị được nước của mình, thì trước tiên phải chỉnh đốn được nhà của mình; muốn tu sửa thân mình thì tâm mình phải đoan chính”. Cho nên trẻ phải thành ý chính/chánh tâm thì chúng mới có thể tu thân, tề gia. Việc trưởng dưỡng sự hiếu và kính của trẻ là chính/chánh cái tâm của chúng.

Thế nào là “thành ý chính/chánh tâm”?
Phải hiểu “cách vật trí tri”. “Cách vật” chính là loại bỏ cái tham muốn của chúng, loại trừ thói quen xấu của chúng như thiếu kiên nhẫn, ngạo mạn. Từ nhỏ có thể chuyển hóa tập tính xấu này của chúng chính là “cách vật trí tri”, thì có thể thành ý chính/chánh tâm. Đại học vấn đều là từ nơi nhỏ mà bắt đầu bén rễ.

Chúng ta suy nghĩ, nếu bây giờ các vị gọi bọn trẻ: “Tiểu Minh à!”, chúng sẽ trả lời thế nào? Bây giờ nếu như mình gọi một đứa trẻ mà chúng đi đến nói: “Chú ơi, chú có việc gì không ạ!”, các vị sẽ cảm thấy thế nào? Cung kính, nể phục. Hiện nay trẻ con như thế còn lại rất ít, cho nên phải dạy trẻ con.
Tôi nói với rất nhiều phụ huynh, trẻ con từ nhỏ phải dạy chúng lễ phép. Nhìn thấy có người lớn muốn gọi ai đó, chúng nói “gọi người à?”, chúng có thể cười cười với các vị là may lắm rồi, còn việc gọi ai thì là như thế nào? Trẻ con có thái độ như vậy có đúng hay không?

Các vị xem, hiện nay chúng ta đã đem tiêu chuẩn hạ thấp xuống, sẽ gây ra hậu quả gì? Đời sau không bằng đời trước. Kết quả không phải đã rõ ràng sao? Vì thế, tiêu chuẩn để dạy trẻ con tuyệt đối không thể nào theo thời đại mà thay đổi. Các vị nắm vững nguyên tắc đến đâu, con cái sẽ có thể học được đến mức độ đó. Chúng ta phải dẫn dắt con cái, khi cha mẹ mình gọi chúng ta phải mau chóng đến trước mặt cha mẹ: “Thưa cha mẹ, có việc gì vậy ạ?”. Đương nhiên chúng ta làm trưởng bối thì phải làm mô phạm cho con cái xem trước. Khi ông bà nội gọi chúng ta, chúng ta là cha mẹ của chúng, chúng ta nhất định phải hết sức cung kính “biểu diễn” cho chúng xem. Dù bây giờ các vị diễn không được cũng phải diễn. Quen rồi sẽ thành tự nhiên. Khi chúng ta làm được thái độ như vậy, tâm hiếu và bầu không khí của sự cung kính sẽ dần dần ảnh hưởng, sẽ dần hình thành nếp sống trong chính gia đình các vị.

Ngoài việc “cha mẹ gọi, trả lời ngay”, còn phải có tâm cung kính với ai? Với sư trưởng. Chúng ta cũng phải: “Sư trưởng gọi, trả lời ngay”. Còn ai nữa không? “Trưởng bối gọi, trả lời ngay”, “cấp trên gọi, trả lời ngay”. Giả như ngày mai quý vị đi làm, khi cấp trên gọi, quý vị liền lập tức đến ngay: “Giám đốc, ông có việc gì sai bảo ạ!”, chắc vị giám đốc của quý vị sẽ nói ngay: “Hôm nay anh có bị làm sao không vậy?”. Không vấn đề gì, khi chúng ta bắt đầu thay đổi, cả trái đất cũng sẽ thay đổi theo. Không nên xem thường năng lực của chính mình, học tập phải học một biết mười, phải có thể từ trong nội tâm của chúng ta, gọi là “tâm hành nhất như”.

Tâm là căn bản, tất cả những hành vi đều từ trong tâm quý vị phát ra ngoài. Khi một người mà trong tâm chân thật cung kính, người đó sẽ cung kính đối với tất cả. Vì vậy, trong chương đầu “Lễ Ký – Khúc Lễ”, mở đầu có nói: “Khúc lễ viết, vô bất kính”. Đối với tất cả người, vật, sự việc đều phải cung kính.

Một người đối với cha mẹ, anh em, trưởng bối đều cung kính, thì đối với những việc mà cha mẹ giao phó họ sẽ như thế nào? Đều tận tâm tận lực như nhau. Khi họ cung kính với người thì sẽ cung kính với việc. Khi họ cung kính với người thì thức ăn mà cha mẹ vất vả khổ nhọc kiếm tiền mua được họ có lãng phí hay không? Không. Nên khi trẻ con biết cung kính với người, thì trong tâm sẽ tự nhiên cũng sinh cung kính với vật, với việc.

Chư vị bằng hữu! Tâm cung kính rất quan trọng, vậy đối với trẻ con người lớn có cần phải “con cái gọi, trả lời ngay” hay không? Các vị đừng cho là thầy Thái nói với tất cả người đều phải cung kính, nên hôm nay trở về, con cái gọi quý vị thì quý vị lập tức chạy ngay đến: “Con à, có việc gì không vậy?”. Nếu vậy thì các vị đã học vẹt rồi! Chúng ta là trưởng bối, con cái là hậu bối, chúng ta phải để chúng cung kính đối với chúng ta, phải thành toàn cái tâm cung kính của chúng. Ví như hôm nay con cái nói: “Ba à! Ba qua đây một chút”, quý vị có cần qua hay không? Không thể nào! Quý vị phải bảo: “Sao con không qua đây chứ?”. Sau khi chúng đi đến thì nói với chúng: “Nào! Chúng ta cùng nhau đi học Đệ Tử Quy”. Quý vị không nên vừa bắt đầu đã trách mắng chúng, mà phải dạy bảo từng bước, học cùng với chúng, chúng sẽ tự nhiên sinh tâm noi theo những tấm gương trong những câu chuyện về các Thánh Hiền. Cho nên, trong những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta phải biết vận dụng tri thức như thế nào.

Có một vị giáo viên, một hôm con của cô ở bên ngoài gõ cửa phòng gọi cô. Mẹ chồng cô cũng có mặt ở đó, hình như là muốn bảo con của cô ăn gì đó. Kết quả con của cô đã đáp lại: “Đừng có ồn nữa!”. Làm sao đây? Quý vị xem, con cái không cung kính đối với bà nội. Giáo dục rất là quan trọng, phải thận trọng ngay từ đầu. Quý vị vừa phát hiện thì phải nhanh chóng xử lý, nếu không đợi khi chúng quen rồi thì rất khó sửa. Vị giáo viên này rất nhạy cảm, lập tức mở cửa và nói với con cô ấy: “Con hãy đi xin lỗi bà nội”. Cô lập tức uốn nắn cách nói chuyện ngạo mạn, không cung kính của con. Đứa trẻ này chết cũng không chịu đi xin lỗi, thế là mẹ chồng cô ấy nói: “Ôi! Trời nóng nực như vậy, xin lỗi cái gì chứ!”. Lúc này phải làm sao đây? Đây là đang khảo nghiệm chúng ta về trí huệ làm cha mẹ người khác. Rốt cuộc thấy đứa con không chịu xin lỗi, mẹ của em liền lập tức nói với mẹ chồng của mình: “Mẹ à, không dạy tốt con cái chính là lỗi của con, con xin lỗi mẹ!”. Người mẹ này nói vừa dứt lời, thì đứa trẻ bật khóc, nước mắt liền rơi xuống. Nước mắt rơi xuống thể hiện điều gì? Sự hổ thẹn.
Tiếp đến, người mẹ lại nói với đứa con: “Con xem, con không cung kính với bà nội như vậy trong khi bà nội vẫn luôn nghĩ đến con, lo con bị nóng nực, con có thấy được tấm lòng của bà nội đều luôn luôn nghĩ đến con không?”. Bà nội nghe con dâu nói như vậy thì rất cảm động, bà cảm thấy đứa con dâu này hiểu được lòng của mình, nhờ đó mà quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã tiến triển rất tốt. Tiếp đến mẹ của em lại nói với em: “Tối hôm nay con hãy viết vào nhật ký, phản tỉnh lại mình một chút”. Thế là tối đó đứa trẻ này đã viết nhật ký là nó có hai cái tôi: Một cái tôi thiện lương và một cái tôi bất thiện. Cái thiện lương và cái bất thiện này đang giằng co với nhau.

Chư vị bằng hữu! Ngay từ lúc nhỏ đã có sự giằng co lớn như vậy, sau khi lớn lên thì giằng co càng nhiều hơn. Nhưng giả như tâm hiếu được bồi đắp từ khi còn rất nhỏ, cả đời chúng sẽ không có những sự mâu thuẫn này, cuộc đời chúng cũng sẽ không có việc không cung kính, không có những việc khiến mình cảm thấy hổ thẹn do tập tính xấu mà ra. Cho nên khi đứa trẻ vừa phạm lỗi, là người làm cha mẹ chúng ta phải thật nhạy bén, phải nhanh chóng xử trí.

Câu giáo huấn: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ lười biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe. Cha mẹ trách, phải thừa nhận” đều là nói đến tâm cung kính của con cái đối với cha mẹ. Kỳ thực, một người có thể cảm nhận sâu sắc ân đức của cha mẹ, thì tâm tình người đó sẽ tự nhiên dịu dàng, tự nhiên cung kính. Khi trong lòng tôi cảm nhận được sự vất vả, cực nhọc của cha mẹ, tôi đã tự nhủ với mình: “Cả một đời này không thể báo đáp hết ân đức của cha mẹ, tuyệt đối không thể nói một câu ngỗ nghịch, hay nói một câu bất kính với cha mẹ”. Có được thể hội này, tâm cung kính, tâm hoan hỉ của chúng ta sẽ tự nhiên lưu xuất ra khi ở gần cha mẹ. Cho nên, chúng ta phải luôn nhớ nghĩ ân đức cha mẹ ở trong lòng, “thành ư trung, hình ư ngoại” (trong lòng thành kính thì biểu hiện ra ở ngôn ngữ cử chỉ bên ngoài), thì tự nhiên sự cung kính sẽ biểu lộ trong lời nói và hành vi của chúng ta.

“Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”

Chúng ta nghe cha mẹ sai bảo việc gì thì không thể lười biếng, nhận lời rồi thì phải nhanh chóng đi làm. Việc này chúng ta yêu cầu bọn trẻ thì rất có ích: “Con không phải phải đi tắm sao? Nhanh nhanh đi tắm đi! Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Khi cha mẹ và con cái có tiếng nói chung, quý vị sẽ rất dễ câu thông với chúng. Chúng ta đều phải cùng nhau tuân giữ giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử.
Vậy chúng ta hãy nghĩ lại: Chúng ta cũng đã lớn như vậy rồi, việc cha mẹ sai bảo, cha mẹ giao phó, chúng ta có “chớ làm biếng” hay không? Đối với người thân, những việc đã nhận lời, chúng ta dễ thất hứa với ai nhất? Chúng ta dễ thất hứa với người thân nhất là cha mẹ, thậm chí ngay cả với người thân nhất như chồng hay vợ. Những người thân thích nhất là những người quan trọng nhất và có ân đức nhất với cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại rất dễ không giữ được chữ tín. Nguyên nhân là gì vậy? Vì với khách hàng không giữ tín thì không kiếm được tiền, nhưng không giữ chữ tín với cha mẹ thì không sao, còn có thể viện cớ gì đó: “Con dạo này rất bận, thật là ngại quá, thật áy náy quá!”. Cho nên ta phải phản tỉnh suy nghĩ, chúng ta càng phải giữ chữ tín đối với cha mẹ hơn, như vậy mới là thái độ đúng đắn. Đương nhiên, giữ chữ tín với cha mẹ cũng cần phải giữ chữ tín đối với tất cả mọi người.
Hôm nay học xong buổi học này, chúng ta hãy suy nghĩ xem đã từng nhận lời với cha mẹ việc gì mà giờ vẫn chưa hoàn thành hay không? Nếu có thì hãy mau chóng thực hiện!

Ngày xưa, rất nhiều người con hiếu không đợi cha mẹ sai bảo, họ đều có thể cảm nhận được cha mẹ đang cần những gì, tự mình chủ động đi làm. Thời đại Tam Quốc, có người con hiếu tên Mạnh Tông. Mọi người có thể đã nghe câu truyện “Mạnh Tông Khóc Măng”. Ông thấy mẹ mình đã không ăn được gì trong một thời gian rất dài, đột nhiên lại rất muốn ăn món măng tre nấu canh. Do mẹ đã lâu ăn uống không được, tì vị đã suy nhược mà bỗng rất muốn ăn món này, nếu như ăn không được thì sẽ đau khổ lắm. Thế là ông đã đi đến vườn tre, đứng ở đó mà khóc, bản thân cũng không biết phải làm thế nào. Tấm lòng hiếu này, tấm lòng chân thành này, nước mắt rơi xuống đã cảm động được cây tre. Nước mắt của chúng ta mà rơi xuống có thể cảm động được không? Thời gian khi ấy là mùa đông, không phải là mùa măng mọc, nhưng mà lòng hiếu thảo của ông cảm động trời đất, đến đá vàng cũng vỡ.
Tiến sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto) của Nhật Bản đã từng nghiên cứu được ý niệm con người có thể ảnh hưởng đến khoáng vật, có thể ảnh hưởng đến nước. Khi con người có ý niệm thiện, nước sẽ kết tinh rất đẹp. Khi người có ý niệm thiện, đến cả nước hồ rất dơ bẩn cũng trở nên sạch sẽ. Cho nên, đại tự nhiên và lòng người rõ ràng có tác động lẫn nhau, hiện rõ động thái.
Thời xưa có nhiều người con hiếu hạnh như vậy. Tại vì sao có thể cảm động cây tre, có thể cảm động rất nhiều động vật, thậm chí còn cảm động cả con hổ hung tợn nhất? Đều nhờ vào tâm hiếu của họ. Vở kịch hay như vậy, lão tổ tông của chúng ta đã diễn mấy nghìn năm rồi. Vở kịch hay như vậy chúng ta có nên tiếp tục diễn nữa không? Phải nên. Chỉ cần chúng ta có thể học được cái tâm hiếu của họ, nhất định có thể trong đời này của chúng ta trình diễn được từng vở từng vở kịch rất hay khiến người ngấn lệ.
Mẹ của Mạnh Tông ăn được món măng tre nấu canh này liền khỏi bệnh. Người hiếu tử chân chính có thể khiến cha mẹ an ủi, khiến cha mẹ thân thể khỏe mạnh. Cho nên: “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”.

“Cha mẹ dạy, phải kính nghe”

Khi cha mẹ dạy bảo chúng ta, chúng ta phải cung kính lắng nghe, tuyệt đối không thường xuyên cãi lại. Giả như khi người cha đang quở phạt trách mắng chúng ta, giảng giải mười việc mà trong đó chỉ có hai sự việc là thật, tám việc còn lại là bị oan, quý vị có cần phải lập tức cãi lại không? Không cần. Bởi vì lúc cha mẹ giáo huấn chúng ta là lúc cha mẹ tức giận nhất. Trong lúc này quý vị chỉ cần nói: “Dạ, dạ”, có thể ba của quý vị vốn đang tức giận nhưng từ từ cơn giận cũng nguôi đi. Đợi khi ba của quý vị mắng xong, nguồn cơn của ông đã được lắng đi nhiều rồi, sẽ suy nghĩ lại: “Mình đã mắng con cái như thế nào? Mắng quá rồi!”. Ông có thể sẽ chủ động gọt một ít trái cây: “Đến đây cùng nhau ăn trái cây đi con”, chủ động làm hòa. Những lúc như vậy quý vị cũng phải thật tự nhiên bước đến, hãy coi như không có chuyện gì. Quý vị không thể lập tức nói: “Ba à! Sao như vậy chứ? Chắc ba muốn làm hòa với con phải không?”. Không nên có suy nghĩ như vậy, chúng ta phải thuận theo tình hình mà làm.
Khi cha mẹ trách mắng, chúng ta đều không cãi lại; đối với việc hiểu lầm, chúng ta đều có thể bình tâm tĩnh trí mà tiếp nhận, thì uy tín của chúng ta, sự ghi nhận của cha mẹ đối với chúng ta sẽ được nâng cao. Khi cha mẹ càng ghi nhận và tin tưởng chúng ta, thì chúng ta và cha mẹ sẽ càng dễ thấu hiểu nhau, cha mẹ sẽ từ từ hiểu ra ai là người đáng để mình tin tưởng nhất? Chính là con trai của mình, chính là con gái của mình. Cho nên, “cha mẹ dạy, phải kính nghe”.
Giả như cha của quý vị bị bệnh tim thì quý vị phải rất cẩn trọng. Ví dụ như ông nhìn thấy quý vị thì mắng rất dữ dội, đã làm cho bệnh tim muốn tái phát trở lại, quý vị có nên đứng ở nơi đó mà tiếp tục nghe không? “Cha mẹ dạy, phải kính nghe” có cần lúc này không? Cho nên cầu học vấn phải học linh hoạt, mỗi niệm đều vì cha mẹ mà nghĩ, quý vị phải biết được ngay lúc đó nên tiến – thoái như thế nào cho thỏa đáng.

“Cha mẹ trách, phải thừa nhận”

Cha mẹ có trách phạt, thậm chí là đánh, chúng ta cũng phải nên vui vẻ tiếp nhận và suy nghĩ xem tại sao cha mẹ lại giận như vậy, lỗi lầm của chúng ta rốt cuộc là ở chỗ nào?
Có một lần, cha của Tăng Tử rất tức giận vì Tăng Tử đã phạm phải lỗi lầm. Ông cầm một khúc cây lớn đánh Tăng Tử. Tăng Tử được dạy: “Cha mẹ trách, phải thừa nhận”, cho nên không nhúc nhích, cứ đứng yên để cho cha đánh. Rốt cuộc trong lúc tức giận người cha đánh quá mạnh, làm ông ngất xỉu. Câu chuyện này truyền đến tai của Khổng Lão Phu Tử, Ngài liền nói với các học trò: “Tăng Tử làm như vậy là bất hiếu”. Vì sao vậy? Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ quá tức giận, không thể kiềm chế, nếu lỡ tay đánh một cái trúng ngay đầu, đứa con chết đi ai đau lòng nhất? Cha mẹ”. Cho nên Khổng Phu Tử nói: “Tiểu trượng tắc thụ”, đánh bằng roi nhỏ thì có thể ngoan ngoãn chịu đòn; “Đại trượng tắc tẩu”, dùng gậy to thì phải chạy đi. Cổ nhân của chúng ta khá nhã nhặn: “Đại trượng tắc tẩu”. Khi nhìn thấy phụ thân cầm cây roi có thể sẽ đánh chết quý vị thì phải mau chạy đi, không thể hại cha mẹ thành người bất nghĩa. Học học vấn Thánh Hiền phải biết vận dụng một cách linh hoạt.
“Cha mẹ dạy, phải kính nghe; cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Tôi đã hỏi học trò: “Sau mỗi lần các em bị cha hoặc mẹ trách mắng xong, trong thâm tâm của các em suy nghĩ gì?”. Bọn trẻ trả lời là: “Xui xẻo! Bị ba phát hiện rồi, bị mẹ phát hiện rồi, lần sau sẽ không để cho bị phát hiện nữa”. Chúng tôi quan sát, khi trẻ con tiếp nhận sự dạy dỗ của cha mẹ, thái độ của chúng thường không đúng. Vì thế, tùy lúc người làm thầy, làm cô phải thay cha mẹ nói chuyện, để chuyển đổi thái độ của các em.
Chúng tôi nói với học trò: “Khi cha mẹ đang trách phạt các em, lúc đang nổi giận quả thật là bản thân cha mẹ đã bị tổn thương rồi”. Mỗi lần nổi cơn giận, thì mấy ngày thân thể mới khôi phục lại như bình thường? Phải cần khoảng ba ngày. Có ai thích mắng người khác không? Mắng người không tốt với thân thể như vậy, nhưng cha mẹ vẫn phải làm vì muốn các em nhớ kỹ lời dạy này, sau này đừng tái phạm lại những sự việc bất lợi với bản thân, cho nên họ thà rằng nổi cơn giận làm tổn thương thân thể chính mình, chứ không chấp nhận để các em hư hỏng. Các em phải hiểu thiện ý này của cha mẹ. Vì muốn nâng cao đức hạnh và học vấn cho các em, để các em không bị sa ngã nên cha mẹ mới phải dạy các em, trách phạt các em. Các em phải xứng đáng với cái tâm yêu thương lo lắng của cha mẹ. Cách mà cha mẹ yêu các em, có lúc nói năng nhẹ nhàng, có những lúc lại lớn tiếng với các em nhưng đều là cùng một cái tâm yêu thương các em. Các em phải thể hội, không nên phụ lòng dạy dỗ của cha mẹ, không thể để sự nóng giận này của cha mẹ trở nên vô ích, không thể để thân thể cha mẹ tổn thương vô ích. Vì vậy, các em phải nhớ kỹ lần sai phạm này, phải biết sự quở mắng có thể đổi lại được điều gì? Tiến bộ. Phải học tập những học trò giỏi của Khổng Lão Phu Tử, đức hạnh của Nhan Uyên là không để phạm lỗi lần hai. Lần này bị cha mẹ trách mắng rồi, nhất định phải nhớ kỹ lần sau không phạm lại việc đó nữa khiến cha mẹ phải nổi giận, phải tổn thương. Khi trẻ con có tâm thái như vậy, chúng sẽ không còn cảm thấy xui xẻo, điều mà chúng nhớ rõ chính là lần sau không thể tái phạm.























































Theo Đệ tử quy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét